Hợp tác xã Minh Thành thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An sở hữu khoảng 180ha cây trồng các loại trong vụ đông năm nay. Trong đó, diện tích chủ yếu là trồng dưa chuột. Có những ngày xã thu hoạch đến 100 tấn dưa chuột, thu về trên 1 tỷ đồng. Lãi ròng từ riêng cây dưa chuột vụ đông của xã ước đạt 15 – 16 tỷ đồng.
Hợp tác xã lãi 15 tỷ đồng nhờ trồng dưa chuột
Xã Minh Thành (Yên Thành, Nghệ An) là vùng bán sơn địa với nhiều đồi núi, ruộng đồng bậc thang, thuận lợi hơn nữa là hệ thống hồ đập dày đặc nên rất chủ động tưới. Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thành, ông Hồ Xuân Sáu vụ cho biết, sản xuất vụ đông ngày càng được địa phương chú trọng nhờ mang lại thu nhập cao.
“Nông dân Minh Thành triển khai vụ đông hàng chục năm rồi, quy mô tăng dần sau từng năm. Địa hình vùng này cao ráo, cơ bản không lo ngập úng, cũng chẳng sợ khô hạn nhờ có hệ thống hồ đập.
Những năm qua, Minh Thành không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại rau màu cho giá trị kinh tế cao, điển hình như dưa chuột, mướp đắng, bầu, bí. Không khí vụ đông ngày càng sôi nổi, thu nhập từ cây vụ đông vượt trội càng thôi thúc người dân tham gia. Nói sợ anh không tin nhưng thực tế giá trị sản xuất cây vụ đông cao gấp 3 – 4 lần sản xuất lúa vụ xuân, vụ hè trên cùng đơn vị diện tích đấy”, ông Sáu khẳng định chắc nịch.
Chủ trương của chính quyền địa phương
Bám sát chủ trương, định hướng phát triển cây trồng vụ đông của tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành và ngành nông nghiệp, HĐND xã Minh Thành đã họp bàn, qua đó ban hành nghị quyết đặc thù nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong toàn dân. Kinh phí hỗ trợ có thể không lớn (định mức 150.000 đồng/sào) nhưng tạo được sự khích lệ, nhờ đó xóa được tư tưởng “chán ruộng” của một bộ phận nông dân, giúp họ có thêm động lực, niềm tin để khai thác tối đa giá trị trên từng bờ xôi ruộng mật.
Trước đây nông dân xứ Nghệ không mấy mặn mà sản xuất vụ đông nhưng những năm gần đây đã có những tín hiệu rất tích cực. Năm 2023, toàn tỉnh đã phủ được trên 33.677ha cây trồng vụ đông các loại, thu về tổng sản lượng trên 333.160 tấn sản phẩm. Trong số này có gần 550ha sản xuất rau, quả được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và tương đương; 77ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 46ha sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; trên 3.000ha được liên kết, bao tiêu sản phẩm…
Các huyện, thành, thị có diện tích bị thiệt hại do các đợt mưa bão cũng chủ động trích ngân sách 10% để hỗ trợ, giảm áp lực cho người dân, qua đó có cơ hội sớm đẩy nhanh quá trình tái sản xuất. Ngoài ra, 5 huyện gồm Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Con Cuông cũng trích thêm một phần ngân sách để khuyến khích, thúc đẩy sản xuất vụ đông. Năm 2024, Nghệ An phấn đấu gieo trồng 34.690ha cây vụ đông các loại.
Trồng dưa chuột vụ đông có đơn giản?
Dưa chuột là cây dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh và là cây ngắn ngày. Nhiều người tưởng trồng dưa chuột vụ đông là trái mùa, thế nhưng khi trồng mới thấy cây vẫn phát triển rất tốt. Bà con nông dân ở Nghệ An đã sáng tạo khi trồng dưa chuột mà không cần giàn, vừa tiết kiệm công sức, chi phí mà lại tận dụng diện tích đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sở dĩ bán được giá cao và rất đắt hàng là do bà con nông dân ở đây sản xuất và nuôi trồng dưa chuột sạch sẽ theo tiêu chuẩn, mang lại thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Bắt đầu từ lúc cây dưa ra hoa cho đến khi thu hoạch người dân chỉ bắt sâu bằng hình thức thủ công và hạn chế côn trùng gây hại bằng bẫy thảo dược. Do đó, đảm bảo an toàn cho dưa, cho chính người trồng, được thị trường đón nhận.
Trồng dưa chuột nói riêng, trồng rau màu vụ đông nói chung có nhiều thuận lợi, thời gian ngắn nên tiết kiệm đáng kể công lao động, vật tư, giảm thiểu sự tác động của sâu bệnh hại, thị trường tiêu thụ tốt, sức mua lớn, giá bán cao nên nông dân lợi đủ đường, yên tâm để tiếp tục “bám ruộng, bám nghề”.
Áp dụng cơ giới hóa vào trồng dưa chuột
Nằm trong tốp gương sản xuất giỏi điển hình nhiều năm liền là anh Nguyễn Thọ Khương, trú tại xóm 2, xã Minh Thành. Anh Khương vốn thâm niên làm nông nghiệp, nhiều năm trước nuôi lợn, nuôi gà nhưng trầy trật lắm, phải đến khi chuyển sang trồng rau màu hàng hóa mới khá lên.
Sở hữu trang trại quy mô 10ha với cây trồng chủ yếu là trồng dưa chuột, anh hiểu rất rõ điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và các loại cây trồng. Thêm vào đó, anh đã áp dụng các phương tiện cơ giới hóa để nâng cao hiệu suất không chỉ trong trồng dưa chuột mà còn rất nhiều giống cây trồng trong trang trại.
Mọi thứ đang diễn tiến hết sức thuận lợi nhưng anh Khương thừa hiểu không có gì là mãi mãi, nếu chỉ chăm chăm “tận thu” thì sớm muộn cũng phải trả giá. Để tránh thoái hóa đất cũng như hạn chế sâu bệnh hại, trước và sau mỗi vụ sản xuất anh đều chủ động thuê nhân công, phương tiện cày xới, rắc vôi bột, đồng thời phủ kín nilon để giữ ẩm độ cần thiết, công đoạn này thường kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng.
“Nhà làm ít, nhà làm nhiều nhưng chỉ cần tuân thủ đúng quy trình chắc chắn sẽ thu về thành quả tương xứng. Chúng tôi nhẩm tính, chỉ cần giá dưa chuột ổn định ở mức 10.000 đồng/kg thì mỗi ha dư sức bỏ túi gần trăm triệu đồng rồi. Trồng dưa chuột là cây chủ lực, bên cạnh đó nông dân có thể linh hoạt ứng biến, trồng thêm nhiều loại rau màu khác nhau để gia tăng thu nhập, giá trị vụ đông nằm ở chỗ ấy”, anh Khương đúc kết.
———————————-