Lòng xe điếu: Nhìn nhận từ các chuyên gia

Trên mạng xã hội đang có nhiều tranh cãi xung quanh lòng xe điếu – một món ăn có giá rất cao. Có người cho rằng đó là lòng thường bị “phù phép” bởi các hóa chất độc hại, các chuyên gia đã lên tiếng về thông tin này.

Nhiều thông tin trái chiều về lòng xe điếu

Câu chuyện bắt đầu từ một đầu bếp chia sẻ quan điểm cá nhân cho rằng lòng se điếu – theo cách gọi của miền Bắc (hay còn gọi là phèo 2 da theo cách gọi của miền Nam) – có rất ít, 1.000 con chỉ có vài con là có lòng xe điếu và mỗi con cũng chỉ có 1 kg, rất hiếm.

“Không phải con lợn nào cũng có lòng xe điếu mà thường hay có ở lợn 3,5 – 5 tháng tuổi còi cọc, nhất là lợn giống nội địa như ỉ, Móng Cái, Mường Khương… chưa được tẩy giun. Chính những nang kén của các loài giun đũa (Ascaris suum), giun xoăn (Strongylus sp), giun kết hạt (Oesophagostomum sp) sống trong ruột lợn đã làm rộp niêm mạc ruột non khiến nó hẹp lại, đặc lại.

Trong các kén này chứa rất nhiều chất bổ để nuôi ấu trùng. Con lợn thì bị hỏng ruột, tắc ruột, còi cọc, gầy mòn bởi bị giun ăn những dưỡng chất đầu tiên nhưng lại tạo ra món ăn ngon miệng, giòn, độc đáo cho con người…

Lòng xe điếu có thực sự nhiều như vậy?

Lòng xe điếu thường là đoạn từ dạ dày chạy xuống ruột non chỗ đoạn chưa có phân, dài khoảng 5m. Kinh nghiệm của nông dân cứ con lợn nào có nhiều giun sán thường có lòng xe điếu. Khi đun chín lên thì những con giun đó chết rồi, kể cả lỡ ăn vào cũng chẳng làm sao, cũng chỉ là một loại protein mà thôi. Tuy nhiên nếu luộc tái, ăn tái thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh.

Những người bị nhiễm loại giun kết hạt ruột già cũng bị tương tự như thế, gây ra bệnh viêm đại tràng mãn tính, đi ngoài phân nát hay đau bụng nhâm nhẩm và đi ngoài nhiều lần.

Thành ruột già của họ dày lên, nổi nhiều nốt chấm trắng giống như cái lá sung bị nhiễm ấu trùng, cứ sùi lên những nốt lỗ chỗ, chúng làm cho các nhu mao ở ruột không hấp thu được nữa, tuy nhiên không gây ra hiện tượng xe điếu như ở ruột non của lợn.

Chúng ta luôn khuyến cáo để an toàn thực phẩm phải ăn chín uống sôi nhưng ăn tái vẫn là sở thích của một số người. Theo tôi, lòng xe điếu ai ăn thì ăn nhưng thực tế đó chỉ là đoạn ruột của con lợn bệnh đã bị biến dạng, bị hỏng mà thôi”. Thạc sĩ, Bác sĩ thú y Đỗ Trọng Minh, nguyên Trưởng phòng Bệnh lý – Ký sinh trùng, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương chia sẻ.

Lòng xe điếu vô cùng hiếm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: “Lò Vạn Phúc mỗi ngày mổ cả ngàn con lợn mà cả tuần mới được một, hai bộ lòng xe điếu.”

“Tôi từng hỏi trực tiếp những cán bộ thú y phụ trách các lò mổ ở Hà Nội và được biết lòng xe điếu thường xảy ra ở những con lợn không bình thường, một là còi cọc, hai là nuôi dài ngày. Có thể các ký sinh trùng như giun sán trong con lợn khiến thời gian nuôi lâu hơn vì chúng đã cướp mất dinh dưỡng của vật nuôi.

Tác động giữa giun, sán với ruột non của con lợn để tạo ra lòng xe điếu thì chưa có nghiên cứu nào cả. Theo tôi có thể có yếu tố về giống mà tạo ra đột biến; có thể do điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng không tốt mà nhiễm giun sán; có thể do yếu tố thức ăn như dọc khoai, rau chứa nhiều chất xơ…

Lòng xe điếu
Ông Nguyễn Ngọc Sơn Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Kinh nghiệm nuôi lợn, mổ lợn của anh Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) là hết sức thực tế. Lòng xe điếu có đặc điểm là thành ruột dày, thứ hai là rất bé giống như xe điếu của cái điếu bát. Bởi thế không phải cứ lòng non dày là thành lòng xe điếu, mà đồng thời nó phải bé.

Lò mổ Vạn Phúc của huyện Thanh Trì (Hà Nội) mỗi ngày mổ hàng ngàn con lợn mà có khi hàng tuần mới kiếm được một, hai bộ lòng xe điếu, thậm chí không bộ nào. Nếu có, kích cỡ cũng chỉ ngắn thôi, thường chỉ 5 – 7m là cùng chứ không như thông tin trên mạng về bộ lòng xe điếu dài tới 40m.

Lò mổ này nhập lợn từ các tỉnh thành về. Lòng xe điếu thường xảy ra ở những con lợn nuôi kiểu nông hộ hoặc ở vùng sâu, vùng xa, thời gian nuôi lâu, còn các trang trại nuôi công nghiệp, thời gian ngắn không có. Những con lợn có lòng xe điếu thường phải nuôi 7 – 8 tháng, khác với lợn bây giờ nuôi công nghiệp chỉ 3 – 4 tháng. Bởi thế, không phải dễ kiếm lòng xe điếu. Không biết các nhà hàng họ lấy lòng xe điếu từ đâu và có đúng thật là lòng xe điếu không.

Lòng se điếu có phải lòng của lợn bị bệnh không?

Về ý kiến cho rằng lòng se điếu là lòng của con lợn bị bệnh, trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Lòng se điếu là đoạn ruột non có cấu trúc đặc biệt, thường xuất hiện ở những con lợn cấn (lợn đực nuôi để làm giống) hoặc những con lợn nhỏ được nuôi kỹ lưỡng”.

Về nguy cơ lòng lợn bình thường bị “phù phép” bằng hóa chất như formol, oxy già để biến thành lòng se điếu, PGS Thịnh cũng cho biết, điều này cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của lòng se điếu.

Tuy nhiên, nếu thực sự có việc dùng hóa chất để ngâm tẩm, “phù phép” như vậy thì rất độc hại với cơ thể.

Theo PGS Thịnh, việc ngâm lòng trong phèn chua không phải mới lạ, vì phèn chua là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng rộng rãi, thường dùng để lọc nước ở các vùng nước bị ô nhiễm. Người kinh doanh lòng lợn cũng thường ngâm lòng trong phèn chua để tạo độ se bề mặt cho lòng.

Lòng xe điếu có thực sự hiếm
Lòng xe điếu thực ra từ con lợn ốm, bị bệnh

Theo PGS Thịnh, oxy già là phụ gia được phép dùng trong thực phẩm nhưng chỉ với liều lượng rất nhỏ, không được phép dùng với liều cao, nhất là ngâm thực phẩm trong thời gian lâu, sẽ có thể gây bệnh đường ruột.

Còn formol là thực phẩm cấm dùng trong chế biến thực phẩm, là chất có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, nôn ói, viêm dạ dày cấp tính…, dùng lâu dài có khả năng gây ung thư.

“Do đó, trước các tranh cãi về việc lòng se điếu có thể bị làm giả, ngâm tẩm hóa chất… rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ của lòng se điếu, kiểm nghiệm xem có hóa chất không được phép trong sản phẩm lòng se điếu bán ra hay không?… Chỉ có thông tin chính xác và đầy đủ thì mới tạo ra sự an tâm cho người tiêu dùng và để những người bán hàng, kinh doanh chính đáng có thể yên tâm buôn bán”, PGS Thịnh khẳng định.

PGS Thịnh cũng cảnh báo, người dân cần thận trọng khi ăn lòng vì nội tạng lợn chứa lượng cholesterol cao, ăn thường xuyên có thể gây tăng mỡ máu, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch… Những người có bệnh mãn tính, người già nên hạn chế ăn các sản phẩm có cholesterol cao như lòng lợn…

Tạm kết

Trong thực tế, lòng xe điếu là ruột non với lớp cơ bên trong dày, có thể do biến dạng do bệnh tật đường ruột; biến dạng do thức ăn, di truyền ở một vài giống lợn bản địa. Qua các hình lòng xe điếu trên mạng tôi thấy lớp bên trong có vẻ được lắp vào, lớp vỏ ngoài dày, đều, có thể do chế ra. Muốn biết chính xác hơn thì phải khám nghiệm, mổ ra từng đoạn một để xem, hoặc về mặt pháp lý cần bắt chủ hàng khai ra.

Trước các thông tin tranh cãi về lòng se điếu, ngày 6/5, chia sẻ với báo chí, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng vừa cho biết đã chỉ đạo kiểm tra mặt hàng lòng se điếu tại những điểm kinh doanh, hàng quán, kho chứa nội tạng động vật…

THÔNG TIN LIÊN HỆ TƯ VẤN TRỰC TIẾP.

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH AGRIHT

Cảm ơn bạn đã theo dõi AgriHT.Com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


This will close in 0 seconds