Khuyến khích ngư dân nuôi biển công nghệ cao, đưa ngành nuôi biển trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tỉnh Tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt vị trí, tọa độ, diện tích 23 khu vực biển với tổng kinh phí hơn 545 tỷ đồng, phát triển 240 ha nuôi biển công nghệ cao.
Thành công nghiên cứu mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao

Mở rộng nuôi biển công nghệ cao

Kế hoạch được ban hành sau khi tỉnh Khánh Hòa tổ chức thành công mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao vào năm 2023 tại vùng biển hở thành phố Cam Ranh. Theo kế hoạch này, từ nay đến năm 2029, tỉnh Khánh Hòa mở rộng khoảng 240 ha nuôi biển công nghệ cao, nguồn kinh phí hơn 545 tỷ đồng.
Các giai đoạn nuôi biển công nghệ cao
Theo kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ở giai đoạn I, từ nay đến hết năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng diện tích khoảng 30ha cho 150 hộ dân tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang và vùng Hòn Nội tại huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh.
Kinh phí dự kiến hơn 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, quỹ hỗ trợ của doanh nghiệp và vốn đối ứng của hộ dân chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng nuôi HDPE.
Giai đoạn II, từ năm 2026-2027, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 100ha cho 500 hộ dân, với tổng kinh phí dự kiến 225 tỷ đồng.
Giai đoạn III, năm 2028-2029, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 110ha cho 550 hộ, với tổng kinh phí dự toán 245 tỷ đồng. Đối với kinh phí của giai đoạn II và III, ngoài nguồn từ ngân sách, vốn đối ứng của người dân còn có vốn vay khoảng 140 tỷ đồng.
Tỉnh Khánh Hòa cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng nhựa, ứng dụng công nghệ cao, phương thức quản lý hiện đại.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hỗ trợ vốn ban đầu cũng như hỗ trợ lãi suất để ngư dân chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng bè kỹ thuật cao, mới đảm bảo được mưa bão từ cấp 10-12, tài sản ngư dân được đảm bảo an toàn. Chúng tôi xây dựng chính sách bảo hiểm cho ngư dân nuôi trồng ở khu vực biển hở, bảo hiểm tai nạn rủi ro, đây là những chủ trương khi thực hiện nghị quyết đặc thù tỉnh Khánh Hòa”.
Tổng quan
Hiện nay, công nghệ nuôi của người dân còn lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo, do đó độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn.
Vì vậy, để giải quyết những tồn tại trên, cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp, thay đổi công nghệ lồng nuôi kiểu gỗ truyền thống sang công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới, đưa ngành nuôi biển trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu ô nhiễm vùng nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.