Hôm qua, ngày 28/3, Myanmar ghi nhận xảy ra trận động đất mạnh 7,7 độ richter. Sau đó, ít nhất 14 dư chấn đã được ghi nhận sau trận động đất khiến hơn 140 thiệt mạng.
Động đất ở Myanmar: Như “nhát dao khổng lồ” cắt vào tâm Trái Đất
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), vào ngày 28-3, Myanmar đã hứng chịu trận động đất mạnh có cường độ 7,7. Tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, khu vực gần thành phố Sagaing. 12 phút sau đó, Myanmar tiếp tục rung chuyển bởi một dư chấn mạnh tới 6,4 độ. Đến nay có ít nhất 25 người ở nước này đã thiệt mạng do động đất.
Chuyên gia nhận định động đất ở Myanmar xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing – một đứt gãy lớn từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh trong lịch sử.
Động đất của Myanmar cũng khiến Thái Lan và Việt Nam rung lắc. Tại Thái Lan, ít nhất 3 người thiệt mạng và 81 người mất tích khi một tòa nhà đang thi công ở Bangkok bị sập do trận động đất mạnh.
Tại Việt Nam, may mắn là chưa có thông báo về tình hình thương vong, nhưng theo ghi nhận tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cư dân tại các tòa nhà cao tầng thấy rung lắc mạnh mẽ, gây hoang mang cho người dân. Rất may mắn là không xảy ra thương vong hay thiệt hại quá nặng nề về tài sản.
Dư chấn sau động đất, Myanmar ghi nhận nhiều thương vong
Ít nhất 14 dư chấn đã được ghi nhận tại Myanmar sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra vào trưa 28/3 (giờ địa phương), theo bản đồ tương tác trên trang web của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS). Hầu hết các cơn dư chấn xảy ra trong vòng vài giờ sau trận động đất chính, với cường độ dao động từ 3 đến 5 độ. Trong số đó, dư chấn mạnh nhất đạt 6,7 độ richter, xảy ra chỉ khoảng 10 phút sau trận động đất ban đầu, theo CNN.
Hai trong số các dư chấn – một cơn 4,9 độ richter và một cơn 6,7 độ richter – xảy ra cách Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, khoảng 20 dặm. Khu vực này đã ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng. Các dư chấn còn lại lan rộng theo hướng bắc – nam từ tâm chấn, tạo thành một đường thẳng kéo dài.
Tính đến thời điểm này, hơn 140 người đã thiệt mạng tại Myanmar, theo chính quyền địa phương. Trận động đất làm đổ sập hàng loạt tòa nhà và tàn phá cơ sở hạ tầng trên một khu vực rộng lớn, thậm chí gây ảnh hưởng đến nước láng giềng Thái Lan – nơi một tòa nhà chọc trời đang xây dựng cũng bị hư hại.
Theo CNN và Reuters, phần lớn thiệt hại tập trung ở thành phố Mandalay – đô thị lớn thứ hai của Myanmar, nằm gần tâm chấn. Ngay sau trận động đất chính là một cơn dư chấn mạnh cùng hàng loạt dư chấn nhỏ hơn, khiến người dân hoảng loạn và lực lượng cứu hộ rơi vào tình trạng quá tải.
Cảnh báo vẫn còn dư chấn từ trận động đất ở Myanmar
“Myanmar không xa lạ gì với động đất. Ranh giới giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và mảng Á – Âu chạy theo hướng bắc – nam, cắt qua giữa đất nước này. Hai mảng này di chuyển với tốc độ khác nhau dọc theo ranh giới chuyển dạng”, giáo sư Joanna Faure Walker – chuyên gia địa chất động đất và giảm thiểu rủi ro thiên tai, University College London (UCL) – nhận định, theo Science Media Centre.
Bà giải thích thêm mặc dù động đất trượt ngang kiểu này thường có cường độ nhỏ hơn so với những trận động đất lớn nhất được thấy ở các vùng hút chìm, như ở phía nam Sumantra, chúng vẫn có thể đạt tới cường độ từ 7 đến 8, gây ra thiệt hại nghiêm trọng, như đã thấy trong trận động đất hôm nay ở Myanmar.
Còn giáo sư Bill McGuire – giáo sư danh dự về mối nguy địa vật lý và khí hậu của UCL – nhận định đây có thể là trận động đất mạnh nhất trên đất liền Myanmar trong 75 năm qua. Ông cũng cho rằng sự kết hợp giữa quy mô cùng độ sâu rất nông sẽ làm gia tăng mức độ tàn phá.
“Đã có một dư chấn lớn xảy ra và có thể còn nhiều dư chấn khác. Những dư chấn này sẽ đe dọa làm sập các tòa nhà đã bị suy yếu, khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn hơn nhiều”, ông cảnh báo.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã trao đổi với các quan chức Myanmar và khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ. “Chúng tôi sẽ giúp đỡ,” ông nói với báo giới tại Nhà Trắng vào cuối ngày thứ Sáu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết, mặc dù USAID hiện đang cắt giảm nhân sự do chính sách đóng cửa, cơ quan này vẫn duy trì đội ngũ chuyên gia về thảm họa và có thể triển khai ngay các nguồn lực cần thiết như thực phẩm và nước uống.